Không ít doanh nghiệp đã và đang đầu tư hàng trăm triệu USD vào Việt Nam, trong đó có những cái tên lớn như Samsung, Nestlé.
Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn
Nhận định về môi trường đầu tư tại Việt Nam hiện nay, ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc tổ hợp Samsung Việt Nam, cho hay không riêng Samsung, các nhà đầu tư nước ngoài khác cũng nhận định Việt Nam là một môi trường đầu tư hấp dẫn với nguồn dồi dào, tình hình chính trị xã hội ổn định, cơ sở hạ tầng đã được đầu tư. Thông tin này được ông đưa ra tại tọa đàm trực tuyến về tác động, triển vọng dòng vốn FDI diễn ra chiều 27/9.
"Hiện có nhiều ảnh hưởng phát sinh do ảnh hưởng bởi đại dịch nhưng về lâu dài, Việt Nam vẫn là điểm đầu tư hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, Nghị quyết 105 của Chính phủ là một tin vui với các nhà đầu tư nước ngoài", ông Choi Joo Ho chia sẻ.
CEO Samsung Việt Nam khẳng định, nếu Việt Nam thực hiện đồng thời biện pháp phòng chống dịch hiệu quả, tăng cường các điều kiện thuận lợi để lưu thông sản xuất, duy trì mạng lưới cung ứng ổn định thì dự kiến đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục được duy trì.
Trong 6 tháng đầu năm nay, này vẫn duy trì sản xuất, xuất khẩu. Đại diện Samsung nhận định, nếu nhà máy tại TPHCM sớm hoạt động trở lại thì công ty sẽ đạt mục tiêu xuất khẩu đã đề ra trong năm nay.
Hé lộ những khoản đầu tư của "đại bàng"
Thời gian qua, Samsung đã gặp nhiều khó khăn trong sản xuất nhưng ông Choi Joo Ho cho rằng, với sự tự tin tích lũy được sau khi khắc phục các khủng hoảng, cùng với sự tin tưởng vào Chính phủ Việt Nam, tập đoàn tiếp tục mở rộng đầu tư.
Đến nay, Samsung Việt Nam đã giải ngân toàn bộ vốn đầu tư được phê duyệt và sẽ tiếp tục đầu tư thiết bị sản xuất cho 6 nhà máy để đa dạng hóa các sản phẩm. Tập đoàn này cũng đang xây dựng tiếp trung tâm R&D quy mô hơn 220 triệu USD tại Hà Nội.
Nestlé Việt Nam cũng chịu không ít ảnh hưởng tới nhân sự, sản xuất, chuỗi cung ứng và doanh thu bởi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4. Dù thế, ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam, khẳng định, tập đoàn vẫn nỗ lực để duy trì các hoạt động vì tầm nhìn lâu dài. Theo lãnh đạo doanh nghiệp này, Việt Nam là trung tâm sản xuất của khu vực và toàn cầu. Do đó tập đoàn đã và đang tăng cường hoạt động kinh doanh tại đây.
"Cụ thể, chúng tôi đã thông báo một khoản đầu tư 132 triệu USD trong vòng 2 năm tới để cùng với các doanh nghiệp khác đưa Việt Nam trở thành trung tâm xuất khẩu của châu Á và khu vực châu Đại Dương", ông Binu Jacob thông tin. Việc này nhằm phục vụ tham vọng biến nhà máy tại Đồng Nai trở thành một trong những nhà máy xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới, chuyên cho các thị trường như Nhật Bản, Mỹ, châu Âu.
Nỗ lực thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao
Nhiều năm qua, Bắc Ninh luôn là điểm sáng trong việc thu hút FDI nhờ các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp đúng đắn và kịp thời. Bắc Ninh cũng là tỉnh đầu tiên triển khai "3 tại chỗ" giúp các doanh nghiệp không bị đứt gãy chuỗi sản xuất.
Tuy nhiên, để thu hút các FDI trong bối cảnh hiện nay, ông Vương Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh, chia sẻ, tỉnh lựa chọn các lĩnh vực ưu tiên thu hút FDI theo định hướng sử dụng công nghệ cao, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên, khoáng sản, đất đai. Thời gian tới, tỉnh Bắc Ninh xác định thu hút đầu tư theo chủ trương "2 ít, 3 cao, 4 sẵn sàng". "2 ít" là sử dụng ít đất và ít sử dụng lao động. "3 cao" là suất vốn đầu tư cao, hiệu quả kinh tế cao, hàm lượng công nghệ cao.
Về "4 sẵn sàng", ông Tuấn thông tin, chủ trương này có ý nghĩa là tỉnh luôn sẵn sàng về mặt bằng, nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ chế và ưu đãi về thuế, cuối cùng là sẵn sàng về hỗ trợ. Những định hướng này là để Bắc Ninh xây dựng một môi trường đầu tư hấp dẫn, thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao.
Tính đến nay, Bắc Ninh đã thu hút dự án của 37 quốc gia, tổng số vốn FDI tỉnh thu hút được lên tới 20,4 tỷ USD.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cũng thông tin về kết quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong 9 tháng, với mức tăng 4,4%. Cụ thể, tính đến ngày 20/9, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt 22,15 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Về các con số cụ thể, bà Ngọc thông tin có 1.212 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (giảm 37,8%). Tuy vậy, tổng vốn đăng ký đạt gần 12,5 tỷ USD, tăng 20,6% so với cùng kỳ 2020. Tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 6,4 tỷ USD (tăng 25,6% so với cùng kỳ 2020). Dù vậy, lượt vốn góp mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 2.830 lượt, giảm 45,3% với tổng giá trị vốn góp đạt gần 3,2 tỷ USD, giảm 43,8% so với cùng kỳ 2020.
Tuy vậy, theo bà Ngọc, khó khăn do chỉ mang tính thời điểm. Những con số tích cực vẫn thể hiện sự tin tưởng của nhà đầu tư nước ngoài với Việt Nam.
Thế Hưng
Không có nhận xét nào