Giám đốc công ty trữ than lậu chỉ là lái xe của anh em đại gia lan đột biến

Dân trí

Trao đổi với phóng viên Dân trí, lãnh đạo Cục Thuế Hải Dương cho biết, qua xác minh người đại diện pháp luật của Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương là lái xe riêng của anh em đại gia trữ than lậu.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí , một lãnh đạo Cục Thuế Hải Dương cho biết: Trong hồ sơ Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương, đối tượng Bùi Mạnh Cường, là giám đốc, người đại diện pháp luật của công ty. Tuy nhiên, qua xác minh thực tế đây là lái xe của hai anh em Bùi Hữu Giang, Bùi Hữu Thanh dựng lên với nhiều mục đích khác nhau.

Ngoài ra, theo báo cáo nhanh vụ việc lên Tổng cục Thuế, Cục Thuế Hải Dương khẳng định hai anh em Bùi Hữu Giang, Bùi Hữu Thanh còn đưa nhiều lao động, người làm công ăn lương, người trông giữ kho, nhân viên của Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương thành người đại diện pháp luật của các công ty cung ứng hàng hóa cho mình.

Giám đốc công ty trữ than lậu chỉ là lái xe của anh em đại gia lan đột biến - 1

Anh em đại gia lan đột biến bị bắt vì trữ than lậu số lượng cực lớn.

Điều đáng nói, các do nhân viên của Giang và Thanh đứng đầu, làm đại diện pháp luật, phần lớn đã ngừng kinh doanh, bỏ địa chỉ đăng ký kinh doanh. Mục đích đưa người thân tín, dưới quyền của Giang và Thanh nhằm hợp thức hóa hồ sơ, hóa đơn cung cấp than lậu.

Trước đó, báo cáo vụ việc, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) Bộ Công an cho biết qua kiểm tra, xác minh có 11/21 bãi than bị lực lượng chức năng phát hiện không có giấy phép kinh doanh, trữ lượng than chứa vượt mức cho phép theo quy định. Nhiều bãi than của địa phương này đang được lực lượng chức năng làm rõ vi phạm.

Hiện 12 đối tượng liên quan trực tiếp đến vụ việc đều đã bị khởi tố, bắt giam trong đó tất cả đều liên quan trực tiếp đến hai doanh nghiệp Công ty Cổ phần Yên Phước, Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương.

Theo một số nguồn tin từ lãnh đạo tỉnh Hải Dương, địa bàn thị xã Kinh Môn là nơi lý tưởng cho hoạt động than lậu bởi tại đây có khá nhiều doanh nghiệp mua đi bán lại than để cung ứng cho các nhà máy sản xuất vôi thủ công hoặc cung ứng than cho các nhà máy xi măng, sắt thép, nhiệt điện.

"Kể từ khi Quảng Ninh xử lý, dẹp các bãi than lậu tại Mạo Khê, Đông Triều, các đầu nậu than chuyển sang hoạt động nhiều hơn tại Kinh Môn", nguồn tin của Dân trí từ UBND tỉnh Hải Dương nói.

Theo Tổng cục Quản lý thị trường, để hợp thức hóa lượng than lớn tập kết tại các bãi than tại Kinh Môn và các hợp đồng mua bán than (hóa đơn doanh thu đầu vào từ năm 2017 đến tháng 6 năm nay ước khoảng 2.200 tỷ đồng), hai đối tượng Bùi Hữu Giang, Bùi Hữu Thanh đã cấu kết với bà Châu Thị Mỹ Linh, Tổng Giám đốc Công ty CP Yên Phước (Thái Nguyên) để mua bán quyền khai thác than tại xã Minh Tiến và xã Na Mao (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) để về tập kết tại nhiều điểm dọc sông Kinh Thầy, Kinh Môn.

Trên thực tế, Công ty Cổ phần Yên Phước được cấp phép khai thác than tại huyện Đại Từ với công suất 8.500 tấn/năm. Nhưng, sau khi bán quyền khai thác than cho Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương, hợp đồng ký kết lên đến 400.000 tấn than/năm, gấp 47 lần lượng khai thác được cấp phép.

Theo nguồn tin của Dân trí từ Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), vụ tàng trữ than số lượng lớn tại Kinh Môn, liên quan đến nhiều cá nhân, tổ chức ở nhiều địa phương khác nhau. Tổng cục Thuế vừa có văn bản yêu cầu các cục thuế địa phương trên cả nước phối hợp thông tin với cơ quan cảnh sát điều tra, làm rõ hành vi của các đối tượng có liên quan đến vụ việc.

An Linh

Không có nhận xét nào